“Early Decision, Early Action, Regular Decision là gì?” là câu hỏi phổ biến của nhiều học sinh và phụ huynh khi lên kế hoạch du học tại Mỹ. Mỗi vòng tuyển sinh đều có thời hạn nộp và quy trình riêng biệt. Việc hiểu rõ sự khác nhau giữa Early Decision (ED), Early Action (EA) và Regular Decision (RD) sẽ giúp bạn lựa chọn phương thức ứng tuyển phù hợp nhất.
Phân biệt các vòng nộp hồ sơ đại học Mỹ
Hệ thống tuyển sinh đại học Mỹ có ba vòng nộp hồ sơ chính. Mỗi vòng có đặc điểm và yêu cầu riêng. Việc hiểu rõ Early Decision là gì, Early Action là gì, và Regular decision là gì có thể giúp bạn lựa chọn kỳ tuyển sinh phù hợp nhất với mục tiêu của mình.
Early Decision (ED) là gì?
Early Decision là hình thức nộp hồ sơ sớm có tính ràng buộc. Khi bạn nộp hồ sơ theo ED và được trường chấp nhận, bạn phải cam kết nhập học tại trường và rút tất cả các hồ sơ đã nộp ở các trường khác.
Thời hạn nộp đơn ED thường vào giữa tháng 10 đến tháng 11, và học sinh sẽ nhận kết quả vào tháng 12. Nhiều trường còn có thêm ED 2 với thời hạn nộp vào tháng 1 và thông báo kết quả vào tháng 2.
Đặc điểm nổi bật của ED là yêu cầu học sinh ký vào “Early Decision Agreement” – cam kết sẽ theo học tại trường nếu được chấp nhận. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể rút thư mời học ED nếu chứng minh được mình không đủ khả năng chi trả học phí hoặc mức hỗ trợ tài chính của trường không đủ với tình hình tài chính của bạn.
Early Action (EA) là gì?
Early Action là hình thức nộp hồ sơ sớm và KHÔNG có tính ràng buộc. Khi nộp hồ sơ theo EA, bạn được phép nộp đơn ở nhiều trường và không bắt buộc phải học ở những trường này nếu được nhận.
Thời hạn của đợt EA thường từ ngày 1/11 đến 15/12, và học sinh sẽ nhận thông báo kết quả vào tháng 1, tháng 2. Thông thường, vào ngày 1/5, bạn cần xác nhận lại với trường rằng bạn sẽ theo học tại trường hay không.
Ưu điểm lớn nhất của EA là học sinh có thêm thời gian để cân nhắc và so sánh các lời mời nhập học cũng như các gói hỗ trợ tài chính từ nhiều trường khác.
Regular Decision (RD) là gì?
Regular Decision là hình thức nộp hồ sơ được áp dụng ở hầu hết các trường đại học Mỹ và không có bất kỳ ràng buộc nào. Đây là vòng tuyển sinh phổ biến nhất, cho phép học sinh đăng ký nhiều trường tùy thích.
Hạn cuối nộp hồ sơ RD thường rơi vào khoảng đầu tháng 1 cho tới 15/2, tùy trường. Học sinh sẽ nhận kết quả vào tháng 3 hoặc tháng 4 và có thời gian cân nhắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày 1/5.
RD cho phép học sinh có thêm thời gian để cải thiện điểm số học tập, hoàn thiện hồ sơ và chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho việc nộp đơn vào đại học. Đây cũng là vòng nộp hồ sơ phổ biến nhất và cung cấp nhiều học bổng cũng như hỗ trợ tài chính nhất.
Tại sao nên chọn ứng tuyển Early Decision, Early Action, Regular Decision?
Lợi ích và cân nhắc khi chọn Early Decision (ED)
Lợi thế tiềm năng của ED
Nộp hồ sơ theo diện ED cho thấy ngôi trường đó là lựa chọn số một của bạn. Nếu được chấp nhận, bạn sẽ nhận kết quả sớm hơn, từ đó giảm áp lực chờ đợi và có thể tập trung trọn vẹn cho năm cuối cấp.
Các trường đại học thường có tỷ lệ chấp nhận hồ sơ ED cao hơn so với các diện tuyển sinh khác. Lý do là ED thể hiện mức độ cam kết rõ ràng của học sinh. Yếu tố giúp nhà trường dự đoán chính xác hơn tỷ lệ nhập học (yield rate). Yield rate cao góp phần duy trì uy tín và thứ hạng của trường trên bảng xếp hạng.
Trên thực tế, nhiều trường top đầu tuyển sinh tới 40–60% tổng chỉ tiêu thông qua vòng ED. Đây là minh chứng rõ ràng cho mức độ ưu tiên mà các ứng viên ED nhận được.
Những điều cần cân nhắc về ED
Tuy có nhiều lợi thế, ED cũng đi kèm với những ràng buộc quan trọng. Khi nộp ED, bạn đồng thời cam kết nhập học và chấp nhận mức hỗ trợ tài chính mà trường đưa ra. Bạn không thể so sánh hay thương lượng với các trường khác.
Rủi ro lớn nhất không phải là nhận được gói hỗ trợ thấp, mà là không có cơ hội đàm phán lại. Vì vậy, việc sử dụng công cụ ước tính chi phí (Net Price Calculator) của trường trước khi nộp hồ sơ là cực kỳ quan trọng.
Ngoài ra, hạn nộp ED thường sớm hơn các diện khác, đòi hỏi học sinh phải chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng và chỉn chu ngay từ đầu năm học.
Lợi ích và cân nhắc khi chọn Early Action (EA)
Lợi thế tiềm năng của EA
Tương tự như ED, hồ sơ EA cho kết quả sớm, thường vào khoảng tháng 12. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng là EA không ràng buộc học sinh phải nhập học nếu được nhận. Bạn vẫn có thời gian đến tháng 5 để đưa ra quyết định cuối cùng.
Nhiều trường áp dụng EA có tỷ lệ chấp nhận cao hơn diện Regular Decision (RD), và việc biết kết quả sớm giúp học sinh chủ động hơn trong việc lên kế hoạch.
Những điều cần cân nhắc về EA
Mặc dù tỷ lệ chấp nhận EA có thể cao hơn, điều đó không đồng nghĩa với việc dễ trúng tuyển. Các ứng viên EA thường rất mạnh và chuẩn bị hồ sơ sớm, kỹ lưỡng. Nếu bạn chưa thực sự sẵn sàng về điểm số, bài luận, EA có thể không phải là lựa chọn tối ưu.
Ngoài ra, một số trường áp dụng hình thức EA có giới hạn như Restrictive EA hoặc Single-Choice EA, nghĩa là bạn chỉ được nộp hồ sơ sớm vào một trường tư nhân duy nhất. Điều này đòi hỏi bạn phải cân nhắc kỹ chiến lược nộp đơn tổng thể.
Lợi ích và cân nhắc khi chọn Regular Decision (RD)
Lợi thế tiềm năng của RD
RD là lựa chọn phổ biến nhất, cho phép bạn có thêm thời gian để nâng cao điểm số, hoàn thiện bài luận cá nhân và củng cố hồ sơ hoạt động ngoại khóa. Bạn có thể nộp hồ sơ đến nhiều trường và sau đó so sánh các thư mời nhập học cũng như gói hỗ trợ tài chính. Điều này đặc biệt quan trọng nếu yếu tố tài chính là ưu tiên hàng đầu.
Nếu bạn chưa xác định được trường nào là “lựa chọn số một”, RD mang đến sự linh hoạt và an toàn hơn trong quá trình đưa ra quyết định.
Những điều cần cân nhắc về RD
Việc chờ kết quả đến tận mùa xuân có thể gây tâm lý lo lắng kéo dài. Với các trường cạnh tranh cao, tỷ lệ chấp nhận RD thường thấp hơn đáng kể so với ED hoặc EA. Nếu không thành công ở các vòng nộp sớm, bạn sẽ cần đầu tư nhiều thời gian và công sức cho hồ sơ RD. Điều này vô tình tạo thêm áp lực trong giai đoạn cuối năm học.
Quy trình ứng tuyển Early Decision, Early Action, Regular Decision
Giai đoạn chuẩn bị sớm (Lớp 10 & 11)
Lớp 10
- Bắt đầu nghiên cứu các trường đại học tiềm năng.
- Lên kế hoạch và tham gia các hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa.
- Duy trì kết quả học tập tốt.
- Bắt đầu chuẩn bị cho các bài kiểm tra chuẩn hóa SAT/ACT.
Lớp 11
- Hoàn thành các bài kiểm tra chuẩn hóa (SAT/ACT) vào mùa xuân.
- Tham quan các trường đại học (trực tiếp hoặc trực tuyến).
- Xác định danh sách trường muốn nộp và phân loại theo ED, EA hoặc RD.
- Chuẩn bị bài luận (essays) và hồ sơ ứng tuyển.
Các bước ứng tuyển cụ thể
Bước 1: Nghiên cứu và chọn trường
- Tìm hiểu về chương trình học, yêu cầu tuyển sinh, và các vòng nộp hồ sơ.
- Xác định trường “dream school” nếu muốn nộp ED.
- Lập danh sách các trường phù hợp với năng lực và nguyện vọng.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ
- Hoàn thiện các bài kiểm tra chuẩn hóa (SAT/ACT)
- Chuẩn bị học bạ lớp 9 và học bạ cấp 3, dịch thuật và công chứng
- Viết bài luận (personal statement) và các bài luận phụ
- Chuẩn bị sơ yếu lý lịch/CV
- Xin thư giới thiệu (LOR)
- Chuẩn bị bằng chứng tài chính
Bước 3: Nộp hồ sơ
- Nộp đơn theo thời hạn của từng vòng: ED (Giữa tháng 10 đến đầu tháng 11), EA (Đầu tháng 11 đến giữa tháng 12), RD (Đầu tháng 1 đến giữa tháng 2).
- Đảm bảo nộp đầy đủ các giấy tờ yêu cầu qua hệ thống Common Application, Coalition Application, hoặc cổng riêng của từng trường.
- Nộp đơn xin hỗ trợ tài chính FAFSA và CSS Profile (nếu cần).
Bước 4: Theo dõi tiến trình
- Kiểm tra email thường xuyên để biết thông tin cập nhật từ các trường.
- Tham gia phỏng vấn nếu được yêu cầu.
- Chuẩn bị nộp tài liệu bổ sung nếu cần.
Bước 5: Nhận kết quả và ra quyết định
- ED: Kết quả vào tháng 12; nếu được nhận, phải cam kết nhập học
- EA: Kết quả vào tháng 1-2; có thể chấp nhận, từ chối, hoặc đợi thêm
- RD: Kết quả vào tháng 3-4; ra quyết định trước ngày 1/5
Bước 6: Hoàn tất thủ tục
- Xác nhận nhập học với trường đã chọn
- Nộp đặt cọc giữ chỗ (enrollment deposit)
- Hoàn thành các thủ tục visa du học
Nắm vững quy trình và các mốc thời gian của Early Decision, Early Action, và Regular Decision là yếu tố then chốt để ứng tuyển thành công.
Những trường đại học hàng đầu nào có tỷ lệ tuyển sinh sớm nhất
Dưới đây là 10 trường Đại học Mỹ hàng đầu với chính sách tuyển sinh sớm:
Tên trường | Xếp hạng US News 2025 | Chính sách tuyển sinh sớm | Học phí & Chi phí quốc tế | Tỷ lệ trúng tuyển sớm | Tỷ lệ trúng tuyển RD |
Harvard University | #3 | SCEA/REA | ~$90,000-$95,000 (tổng chi phí) | ~9% (SCEA) | 2.7% |
Massachusetts Institute of Technology (MIT) | #2 | EA (Không ràng buộc) | ~$85,960 (2024-25) | 5.98%-6% (EA) | 2.59% |
Stanford University | #4 | REA | >$82,000 (2024-25) | Không công bố | Không công bố |
Yale University | #5 | SCEA/REA | ~$90,000-$94,500 (2024-25) | 10%-10.82% (SCEA) | 2.75% |
Princeton University | #1 | SCEA/REA | ~$79,540 (2023-24) | ~12% (SCEA, ước tính) | Không công bố |
University of Pennsylvania (UPenn) | #10 | ED | >$85,000 (2024-25) | ~14.7% (ED) | Không công bố |
Duke University | #6 (đồng hạng) | ED | ~$90,000+ (2025-26) | 12.81% (ED) | Không công bố |
Brown University | #13 | ED | ~$85,000-$90,000 (2025-26, bao gồm ăn ở) | 17.95%-18% (ED) | Không công bố |
Cornell University | #11 (đồng hạng) | ED | ~$85,000+ (2024-25) | ~19% (ED, ước tính) | Không công bố |
University of Chicago | #11 (đồng hạng) | EA (Không ràng buộc), ED I, ED II | ~$93,633 (2024-25, ở nội trú) | Không công bố cụ thể | Không công bố |
Một số câu hỏi thường gặp về Early Decision, Early Action, Regular Decision
Ngoài câu hỏi Early Decision, Early Action, Regular Decision là gì, thì một số phụ huynh và học sinh cũng thường có những thắc mắc dưới đây:
Tôi có thể rút đơn ED sau khi được trường chấp nhận không?
Thông thường, bạn không thể rút đơn ED sau khi được chấp nhận, vì đây là cam kết ràng buộc. Tuy nhiên, có một ngoại lệ: bạn có thể rút lại thư mời học ED nếu chứng minh được không đủ khả năng chi trả học phí hoặc mức hỗ trợ tài chính của trường không đáp ứng nhu cầu của gia đình.
Tôi có thể rút hồ sơ xin học trước khi trường đưa ra quyết định nhập học không?
Có, bạn có thể rút hồ sơ trước khi trường đưa ra quyết định. Tuy nhiên, nếu đã nộp ED, việc rút hồ sơ cần được cân nhắc kỹ vì có thể ảnh hưởng đến uy tín của bạn trong quá trình ứng tuyển các trường khác
Nộp đơn theo thời hạn ED có tăng tỉ lệ trúng tuyển không?
Có, nộp đơn ED thường tăng đáng kể tỷ lệ trúng tuyển. Theo nghiên cứu, tỷ lệ chấp nhận ED cao hơn RD trung bình 17%. Một số trường như Georgia State University thậm chí báo cáo tỷ lệ chấp nhận ED lên đến 100%, so với 39% cho RD.
Nằm trong danh sách chờ của đợt tuyển sinh ED nghĩa là gì?
Khi bạn nằm trong danh sách chờ (waitlist) của đợt ED, nghĩa là trường chưa đưa ra quyết định cuối cùng và muốn xem xét hồ sơ của bạn cùng với các ứng viên khác trong vòng RD. Trong trường hợp này, bạn không còn bị ràng buộc bởi cam kết ED và có thể nộp hồ sơ vào các trường khác.
Đối tượng nào nên nộp đơn sớm?
Những học sinh nên nộp đơn sớm (ED hoặc EA) bao gồm:
- Học sinh đã có trường mơ ước rõ ràng (đặc biệt với ED)
- Học sinh có hồ sơ học thuật mạnh
- Học sinh đã hoàn thiện điểm SAT/ACT trước tháng 10-11
- Học sinh có thế mạnh về ngoại ngữ và hoạt động ngoại khóa
- Học sinh không có nhu cầu so sánh các gói hỗ trợ tài chính (đối với ED)
Đối tượng nào không phù hợp nộp thời hạn ED hoặc AD?
Những học sinh không nên nộp ED hoặc EA bao gồm:
- Học sinh cần thêm thời gian để cải thiện học lực năm cuối
- Học sinh cần thi lại SAT/ACT để cải thiện điểm số
- Học sinh chưa xác định được trường mơ ước rõ ràng
- Học sinh cần so sánh các gói hỗ trợ tài chính để đưa ra quyết định
- Học sinh chưa chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và bài luận chất lượng
Kết luận
Hiểu rõ về Early Decision, Early Action và Regular Decision là gì sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn phù hợp cho hành trình du học Mỹ. Nếu bạn còn phân vân nên chọn hình thức nào, hãy để lại thông tin để 195 Global tư vấn miễn phí lộ trình apply phù hợp, tối ưu cơ hội trúng tuyển vào trường đại học mơ ước.