Coherence and Organization in Writing (tính mạch lạc và bố cục trong văn bản) là một trong những yếu tố then chốt để đạt điểm cao trong phần thi Writing của Duolingo English Test.
Những bạn mới bắt đầu học Tiếng Anh thường sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng một đoạn văn có tính mạch lạc, dẫn đến việc ý tưởng không được truyền đạt rõ ràng và hiệu quả, làm giảm chất lượng tổng thể của bài viết. Hiểu được điều đó, 195 Global chia sẻ đến bạn bài viết dưới đây, giúp bạn tự tin nắm chắc điểm Writing của mình.
Tổng quan dạng bài Writing sample trong DET
Dạng bài Writing Sample trong Duolingo English Test đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá khả năng viết của bạn. Tại phần này, bạn sẽ được yêu cầu viết một đoạn văn ngắn về một chủ đề nhất định hoặc trả lời một câu hỏi cụ thể.
Đặc điểm của dạng bài Writing Sample
- Thời gian làm bài: Khoảng 5-10 phút cho 2 bài viết.
- Độ dài: Phụ thuộc vào yêu cầu đề bài nhưng thường từ 50 đến 200 từ.
- Cấu trúc: Không có cấu trúc cố định, thường yêu cầu viết đoạn văn để trả lời câu hỏi hoặc thảo luận về chủ đề.
- Chủ đề: Các chủ đề có thể đa dạng như kinh doanh, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, sức khỏe, công nghệ, cuộc sống hàng ngày, kế hoạch tương lai..
- Đánh giá: Bài viết sẽ được chấm dựa trên các tiêu chí về độ chính xác của ngữ pháp, vốn từ, cách tổ chức ý tưởng và độ dài phù hợp với đề bài.
3 dạng bài Writing Sample thường gặp
- Argumentative: Trình bày quan điểm về một vấn đề nào đó, cần nêu rõ ý kiến và có bằng chứng đi kèm.
- Descriptive: Miêu tả người, vật, địa điểm hoặc sự kiện. Cần sử dụng những từ ngữ sinh động để tạo nên một bức tranh rõ nét giúp người đọc dễ hình dung.
- Recount: Kể lại trải nghiệm hoặc sự kiện, phải trình bày theo trình tự thời gian và bộc lộ được cảm xúc cá nhân.
Tính mạch lạc trong bài viết là gì?
Định nghĩa
Theo Hyland (2006), tính mạch lạc là sự kết nối logic, liền mạch giữa các ý tưởng, đoạn văn trong một bài viết, giúp người đọc dễ dàng hiểu được nội dung mà tác giả muốn truyền tải.
Một bài viết mạch lạc không chỉ đảm bảo các ý rõ ràng các ý mà còn có sự liên kết chặt chẽ thông qua các từ nối, câu chủ đề và cấu trúc hợp lý.
Tầm quan trọng của sự mạch lạc
Theo nghiên cứu của Sherman, Slawson, Whitton và Wiemelt (2010), tính mạch lạc được coi là yếu tố then chốt trong kỹ năng viết, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của văn bản.
Một bài viết thiếu sự mạch lạc sẽ khiến người đọc gặp khó khăn trong việc nắm bắt các ý tưởng chính, dẫn đến hiểu sai hoặc bỏ sót thông tin quan trọng. Hơn nữa, sự thiếu mạch lạc còn có thể làm lệch lạc thông điệp mà tác giả muốn truyền tải, khiến thông tin không rõ ràng và không đầy đủ.
Những yếu tố ảnh hưởng đến tính mạch lạc trong bài viết
Sự thiếu liền mạch về nội dung
Đây là tình trạng các ý tưởng, thông tin trong văn bản không được truyền đạt theo trình tự logic, hợp lý, dẫn đến việc người đọc gặp khó khăn trong việc theo dõi và hiểu ý chính mà tác giả muốn truyền đạt.
Nói cách khác, các luận điểm chính và các luận cứ không được kết nối chặt chẽ, và cách lựa chọn từ ngữ, cấu trúc câu cũng không giúp làm rõ thông điệp.
Xét về mặt nội dung, việc không xác định rõ ràng chủ đề, luận điểm chính, hay phân tích thông tin bị lạc đề chính là một trong những nguyên nhân gây ra sự thiếu mạch lạc của bài viết.
Sự thiếu tổ chức trong cách sắp xếp thông tin
Một nguyên nhân khác khiến đoạn văn không mạch lạc là cách sắp xếp thông tin chưa hợp lý.
Khi thông tin không được tổ chức một cách logic và hệ thống, người đọc sẽ gặp khó khăn trong việc xác định ý tưởng chính và có thể hiểu sai nội dung của văn bản hoặc rút ra những kết luận không đúng.
Việc phải liên tục điều chỉnh cách suy nghĩ để hiểu những ý tưởng không liên kết cũng sẽ khiến người đọc nhanh chóng mất tập trung.
Làm sao để tăng tính mạch lạc trong bài viết?
1. Phát triển nội dung mạch lạc
Đầu tiên, bạn cần đảm bảo rằng tất cả các yếu tố trong một đoạn văn đều được phát triển đầy đủ. Một đoạn được coi là hoàn chỉnh khi có câu chủ đề (Topic sentence), các câu hỗ trợ (Supporting sentences) và câu kết luận (Concluding sentence).
Câu chủ đề (Topic sentence)
Đây là câu đầu tiên trong đoạn, thể hiện rõ ý tưởng chính mà đoạn văn hướng tới. Câu này giống như một bản tóm tắt cho toàn bộ nội dung của đoạn văn.
Ví dụ: Với đề bài “Thảo luận về vai trò của mạng xã hội trong xã hội hiện đại”, bạn có thể viết câu chủ đề như sau:
“The increasing use of social media has significant impacts on our daily lives.” (Sự gia tăng sử dụng mạng xã hội đã có những tác động đáng kể đối với cuộc sống hàng ngày của chúng ta.)
Câu chủ đề này đã làm rõ nội dung chính của đoạn là sự ảnh hưởng của mạng xã hội đến đời sống. Đây là câu quan trọng, định hướng cho toàn bộ nội dung của đoạn.
Câu hỗ trợ (Supporting sentences)
“Platforms such as Facebook, Twitter, and Instagram have revolutionized how individuals connect with friends and family. Additionally, social media has become a powerful tool for businesses to market their products and services.”
(Các nền tảng như Facebook, Twitter và Instagram đã thay đổi cách kết nối của mọi người với nhau. Hơn nữa, mạng xã hội cũng trở thành công cụ mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm và dịch vụ.)
Các câu hỗ trợ cung cấp thông tin chi tiết để làm rõ cho câu chủ đề. Những câu này nêu bật và giải thích cụ thể về sự ảnh hưởng của mạng xã hội đến giao tiếp giữa cá nhân, giữa các doanh nghiệp và khách hàng.
Câu kết luận (Concluding sentence)
“In conclusion, the widespread adoption of social media has transformed the landscape of human interaction and has had a profound impact on various aspects of society.”
(Tóm lại, việc sử dụng rộng rãi các phương tiện mạng xã hội đã làm thay đổi hình thức tương tác giữa mọi người và gây ra những tác động sâu sắc tới nhiều khía cạnh của xã hội.)
Câu kết luận này đã tổng hợp lại ý chính của đoạn, nhấn mạnh tầm quan trọng và tác động sâu rộng của mạng xã hội đối với xã hội, nhờ đó tạo nên sự trọn vẹn cho nội dung.
2. Phương pháp cụ thể
Để nâng cao khả năng đọc hiểu của độc giả, Hinkel (2004) đã chỉ ra rằng tất cả các câu trong mỗi đoạn cần được sắp xếp một cách hợp lý, theo một trình tự liên tục dựa trên ý nghĩa mà chúng muốn truyền đạt.
Để làm được điều này, Sherman et al. (2010) đã gợi ý các phương pháp sau đây:
Sử dụng từ nối, từ chuyển tiếp (Transition signals)
“The use of artificial intelligence has become increasingly prevalent in recent years. However, there are concerns about the potential negative impacts of AI, such as job displacement and the development of autonomous weapons.”
(Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo đã trở nên phổ biến hơn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cũng có những lo ngại về những tác động tiêu cực tiềm năng của AI, chẳng hạn như mất việc làm và phát triển vũ khí tự động.)
Ở đây, “however” là từ nối giúp bạn chuyển tiếp các ý trong bài viết, cho thấy mối quan hệ trái ngược giữa hai ý.
Nhắc lại từ khóa quan trọng (Repeating keywords)
“The Internet has revolutionized the way we communicate and access information. However, the digital age has also raised concerns about privacy and security.”
(Internet đã làm thay đổi cách chúng ta giao tiếp và truy cập thông tin. Tuy nhiên, thời đại số cũng đặt ra những vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật.)
Cụm từ “the digital age” là một cách thay thế để nhắc lại từ khóa “Internet”. Việc lặp lại từ khóa vừa làm nổi bật ý chính vừa giúp độc giả nhận diện mối liên hệ giữa các phần, từ đó dễ dàng hiểu được cấu trúc logic của bài viết.
Lưu ý: Việc lặp lại quá thường xuyên có thể làm cho người đọc cảm thấy nhàm chán, hãy tìm cách thay thế bằng từ đồng nghĩa hoặc sử dụng các dạng khác nhau của từ khóa đó (danh từ, tính từ, động từ)
Sử dụng đại từ (Using pronouns)
“Artificial intelligence has made significant advancements in recent years. It is being used in various fields, such as healthcare and finance.”
(Trí tuệ nhân tạo đã đạt được nhiều tiến bộ trong những năm qua. Nó đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, như y tế và tài chính.)
Đại từ “It” được sử dụng để thay thế cho “Artificial intelligence”.
Sử dụng đại từ hợp lý không chỉ giúp tránh việc lặp lại quá nhiều danh từ, mà còn làm cho câu văn thêm sinh động và mượt mà. Đồng thời, đại từ còn tạo ra sự liên kết giữa các câu, giúp người đọc dễ dàng theo dõi mạch suy luận của bạn.
3. Sắp xếp thông tin hợp lý
Ba mô hình sắp xếp thông tin phổ biến trong đoạn văn được áp dụng rộng rãi hiện nay bao gồm:
Mô hình diễn dịch
Bắt đầu bằng việc nêu rõ câu chủ đề ngay từ đầu, tiếp đến là đưa ra các luận cứ và dẫn chứng cụ thể để làm sáng tỏ và củng cố cho luận điểm chính.
Mô hình quy nạp
Ngược lại với mô hình diễn dịch, quy nạp sẽ trình bày các luận cứ và dẫn chứng trước, sau đó mới đưa ra câu chủ đề để kết luận cho toàn bộ đoạn văn.
Mô hình tổng-phân-hợp
Kết hợp ưu điểm của hai mô hình trước, mô hình tổng-phân-hợp bắt đầu bằng câu chủ đề, tiếp tục với các luận cứ và dẫn chứng để phân tích chi tiết, cuối cùng là câu kết luận để nhấn mạnh lại luận điểm ban đầu.
Kết luận
Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của coherence and organization in writing. Nếu bạn cần các khóa học luyện thi DET hay hỗ trợ thêm về các kỹ năng khác trong bài thi, hãy để lại thông tin liên hệ để 195 Global có thể tư vấn chi tiết cho bạn.